Hướng dẫn lập ngân sách cho chuyến đi du lịch
Tuy nghe có vẻ khô cứng, ngân sách lại là phần không thể thiếu làm nên những trải nghiệm tuyệt vời cho chuyến đi của bạn đấy. Trải nghiệm trước đây của Mai Vi là thấy mọi người đăng ảnh đi du lịch sang chảnh khắp nơi, check in mọi ngóc ngách của thế giới mà trong khi mình chỉ nghĩ đến chuyến đi gần gần thôi đã thấy xa xỉ, rất nhiều lúc cảm thấy ghen tị mà thắc mắc không biết họ làm thế nào nhỉ. Câu trả lời hóa ra chính ở việc lập kế hoạch và ngân sách du lịch đấy đấy. Một kế hoạch ngân sách được tính toán chu đáo sẽ giúp bạn dễ dàng biến chuyến đi trong mơ thành hiện thực và tối ưu các trải nghiệm tuyệt vời trong chuyến đi mà không phải lúc nào cũng lo ngay ngáy về việc rỗng ví.
Nếu bạn chưa bắt đầu ngay từ bước lên kế hoạch du lịch, bạn có thể tham khảo bài Các bước lên kế hoạch du lịch của chúng mình nhé
Có 2 cách tiếp cận khi lập ngân sách sau đây:
- Cách truyền thống: tên là truyền thống nên chắc các bạn đoán được đây là cách hầu hết mọi người sử dụng khi lên kế hoạch chuyến đi. Ngân sách sẽ bắt đầu khi bạn chọn được điểm đến, thời gian đi, hình thức du lịch,… và từ đó giúp bạn lên kế hoạch, chuẩn bị chi phí và đặt trước các dịch vụ. Cách tiếp cận này đặc biệt phù hợp với các chuyến đi cần nhiều thời gian chuẩn bị hoặc khi bạn không có một khoản sẵn sàng mà cần tiết kiệm dần.
- Cách dựa vào cảm hứng: chỉ cần bạn thích là lên đường. Với cách này thì bạn sẽ lập ngân sách ngược lại, bắt đầu từ số tiền bạn có thể chi cho chuyến đi để tính toán xem mình sẽ đi đâu, đi bao lâu và làm những gì.
Dù chọn cách tiếp cận nào thì bạn cũng sẽ trải qua các bước sau khi lập ngân sách cho chuyến đi
Bước 1: Xác định các khoản chi phí lớn cố định
- Chi phí xin visa: Nếu bạn mang quốc tịch Việt Nam, bạn sẽ thấy mình phải xin visa khá nhiều đấy. Chi phí này tuy không lớn nhưng lại là khoản không thể bỏ qua. Visa sẽ bao gồm cả phí visa, phí dịch/công chứng hồ sơ, phí dịch vụ,…
Tham khảo: Danh sách các quốc gia miễn visa cho công dân Việt Nam
- Vé máy bay: Đối với các chuyến đi nước ngoài, vé máy bay chính là phần chi phí lớn nhất của chuyến đi. Chuyến đi càng xa, tiền vé càng cao vì vậy khi tính toán ngân sách cũng là lúc các bạn tìm hiểu kỹ thông tin về chuyến bay và chặng bay thuận lợi.
- Chi phí này sẽ gồm: chặng bay quốc tế dài và cả các chặng bay nội địa (nếu có)
Bạn có thể tham khảo bài Cách đặt vé máy bay tại đây nhé
Bước 2: Các khoản chi phí biến đổi trong chuyến đi
Ngoài chi phí lớn, các bạn sẽ cần liệt kê tất cả các chi phí sẽ phát sinh trong chuyến đi như sau:
- Chỗ ở: Chỗ ở cũng chiếm một phần khá lớn trong ngân sách nhưng điểm thuận lợi là có thể điều chỉnh được để cân đối tùy vào ngân sách. Tùy thuộc loại chỗ ở bạn chọn mà chi phí này có thể nhiều hay ít nhưng hãy lưu ý là bạn luôn cần ưu tiên sự an toàn và thuận tiện ngay cả khi rất cần tiết kiệm nhé.
Tham khảo: Cách đặt chỗ ở
- Chi phí đi lại: sẽ bao gồm đi lại bằng phương tiện công cộng, thuê xe tự lái, …
- Chi phí ăn uống: nếu bạn ăn ngoài thì sẽ là dự trù tiền ăn từng bữa nhân với tất cả các bữa, nếu bạn tự nấu thì là dự trù tiền đi chợ
- Chi phí vui chơi: tiền tour thăm quan, vé thăm quan/bảo tàng
- Chi phí tiêu vặt: nên tìm hiểu chi phí trung bình ở từng điểm đến của những người đi trước và nhân theo ngày.
- Chi phí kiểm tra và tiêm văc xin phòng Covid: hiện nay, rất nhiều quốc gia yêu cầu bắt buộc có giấy xét nghiệm covid và xác nhận đã tiêm vắc xin trước khi hạ cánh nên đây cũng là chi phí các bạn cần tính đến lúc lập ngân sách.
- Bảo hiểm du lịch: Mặc dù chi phí này tương đối nhỏ nhưng mình tách ra làm mục riêng để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Những năm gần đây, khi các chuyến đi dài đến những vùng đất lạ bắt đầu nhiều dần trong khi những thông tin đáng lo ngại cho sự an toàn của khách du lịch ngày càng xuất hiện nhiều ngay cả ở những quốc gia vốn rất văn minh và thân thiện thì bảo hiểm dần chứng minh được giá trị của mình, nó không chỉ còn là để đủ điều kiện xin visa mà là một sự chuẩn bị cho bản thân để có một chuyến đi an toàn. Lời khuyên của mình chỉ là đừng chọn mức nào rẻ nhất mà hãy chọn loại nào phù hợp nhất nhé.
Các chi phí trong chuyến đi này có thể thay đổi tùy thuộc vào loại hình du lịch bạn chọn, số lượng hoạt động nên nếu cần tiết kiệm thì đây chính là mục bạn có thể điều chỉnh để vừa hợp túi tiền.
Để không bỏ sót chi phí nào, mình thường rà soát chi phí theo từng ngày, và từng hoạt động trong ngày xem có chi phí nào phát sinh tại từng mục. Bạn có thể tính toán chi phí bằng app, bằng phần mềm hoặc thậm chí theo cách thủ công với giấy và bút, miễn sao thực hiện được các bước chính mình vừa nêu để dần hình dung ra bằng con số cho chuyến đi sắp tới
Bước 3: Lập thứ tự ưu tiên & Dự trù ngân sách
Mục tiêu của việc này là để đảm bảo bạn có một chuyến đi đầy trải nghiệm và bớt lo lắng. Dù có là người đầy kinh nghiệm lên ngân sách thì vẫn không tài nào tránh khỏi các khoản phát sinh, vì vậy hãy luôn dự trù them khoảng 20% ngân sách cho các mục phát sinh chưa lường trước nhé. Khoản này không phải để tiêu cho hết trong chuyến đi mà để đề phòng các tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình thì bạn vẫn yên tâm xử lý.
Ngoài ra, việc đưa ra các thứ tự ưu tiên của bản thân cho chuyến đi cũng sẽ giúp các bạn quản lý chi tiêu chuyến đi một cách hợp lý. Hãy đánh dấu trước những mục bạn ưu tiên và những mục có thể cân nhắc để khi cần bạn có thể loại bớt một số mục và dồn cho những trải nghiệm để đời.
Với mấy bước đơn giản như trên, bạn đã có một kế hoạch ngân sách cho chuyến đi rồi đấy. Đơn giản hơn bạn tưởng phải không nào? Giờ chỉ còn bắt tay vào dành dụm cho chuyến đi trong mơ thôi!
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến đi của chúng mình trên trang này nhé. Nếu cần được tư vấn về cách lập kế hoạch du lịch, bạn có thể liên hệ với chúng mình bằng tin nhắn, nhắn Fanpage hoặc email nhé.